Nâng nền nhà bằng xốp đang là phương pháp tôn nền công trình thịnh hành và rất được ưa chuộng hiện nay. Xốp – Một vật liệu tuy đơn giản, siêu nhẹ, giá thành thấp nhưng lại mang nhiều ưu điểm, khắc phục tốt những nhược điểm của các vật liệu tôn nền trước đây (cát, xà bần, …). Để công trình đảm bảo độ an toàn, chất lượng và có độ bền cao, quá trình nâng nền cần thực hiện đúng phương pháp, kỹ thuật.
Phương pháp nâng nền nhà bằng xốp
Khi nào cần nâng nền?
Mọi công trình nhà ở, nhà nghỉ, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, nhà máy, … đều có thể thi công nâng nền, nhằm phục vụ các nhu cầu sau:
- Những công trình có cần nâng cao nền nhà để phù hợp với thẩm mỹ hay phù hợp với cơ sở hạ tầng xung quanh (cầu, đường, nhà ở)
- Những công trình có nền móng yếu, bị xuống cấp hay sụt lún, cần củng cố thêm độ vững chắc của nền móng
- Những công trình ở vùng biển hay những nơi thường xuyên xảy ra ứ đọng nước, ngập nước.
Nên lựa chọn nâng nền nhà bằng loại xốp nào?
Cần lựa chọn các loại xốp có liên kết phân tử bền chặt, tỷ trọng cao, độ bền nén lớn, chống rung, không bị biến dạng sau một thời gian sử dụng. Hai loại xốp được tin tưởng sử dụng nhất là:
- Xốp EPS (màu trắng): Cấu tạo từ hạt nhựa nguyên sinh Expanded Polystyrene. Trong đó mỗi hạt xốp có thành phần bao gồm Polystyrene (từ 90 – 95%) và một số hợp chất tạo khí như Pentane hoặc Carbon Dioxide (chiếm 5 – 10%).
- Xốp XPS (màu vàng, hồng xanh): Cấu tạo bởi nhựa nguyên sinh Polystyrene cùng với khí CO2 và rượu công nghiệp – nguyên liệu phụ trợ để tạo xốp.
Ưu nhược điểm khi nâng nền nhà bằng xốp
Ưu điểm:
- Giá thành vật tư rẻ, dễ dàng tìm kiếm
- Trong lượng nhẹ, dễ vận chuyển và thi công, đẩy nhanh tiến độ nâng nền
- Xốp được gia công theo độ dày mong muốn, diện tích mỗi tấm là 1m2. Khi thi công chỉ cần đặt và xếp tấm và thực hiện đan lưới, đổ bê tông. Quá trình tôn nền không gây bụi bẩn và phát ra tiếng ồn.
- Giảm tải trọng đáng kể cho công trình
- Xốp không thấm nước, khó nhiễm ẩm
- Cách nhiệt từ mặt đất, chống ồn và chống rung tốt
- Sức bền lâu dài, hệ số chịu lực tốt nhờ cấu trúc liên kết chặt chẽ của các phân tử xốp
- Độ đàn hồi cao, khó biến dạng sau nhiều năm sử dụng
Nhược điểm:
Mặc dù sở hữu nhiều ưu điểm, nhưng xốp vẫn có một số điểm hạn chế như sau: Nếu mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng hay lựa chọn xốp có tỷ trọng quá thấp sẽ dẫn đến tình trạng xốp bị xẹp. Do vậy việc lựa chọn đơn vị mua xốp là rất quan trọng.
Lưu ý quan trọng khi nâng nền nhà bằng xốp
Hai hạng mục tôn nền phổ biến là tôn nền sàn âm ở phần móng và tôn nền cho sàn âm trên mái. Để nền nhà sau khi nâng luôn chắc chắn, không sụt lún, cần thực hiện đúng quy trình và lưu ý các vấn đề sau đây:
Xử lý nền nhà cũ
Đối với các công trình đã xây dựng nhiều năm, cần phá vỡ lớp gạch, bê tông cũ, sau đó cán phẳng nền nhà. Nếu lớp nền không được cán phẳng hay xử lý không tốt trước khi tôn nền, rất dễ dẫn đến hiện tượng nứt, bung, rộp bề mặt nền và ảnh hưởng tới kết cấu toàn công trình.
Chống thấm trước khi nâng nền nhà bằng xốp
Khi tôn nền cho sàn ở phần móng, có thể chống thấm hoặc không, tùy vào điều kiện và nhu cầu của khách hàng.
Khi tôn sàn âm trên mái, cần thực hiện chống thấm trước khi nâng nền bằng Sika. Bởi mái là khu vực cao nhất, khi trời mưa rất dễ đọng nước, lâu ngày thành thấm dột nước. Thấm dột không những khiến công trình nhanh xuống cấp, nứt gãy kết cấu, mà còn gây mùi ẩm mốc khó chịu, xuất hiện rêu mốc.
Lựa chọn tỷ trọng xốp
Tỷ trọng tỷ lệ thuận với độ cứng của sản phẩm. Đối với xốp tôn nền, cần sử dụng các loại xốp có tỷ trọng cao, độ bền nén lớn để đảm bảo khả năng chịu lực và thời gian sử dụng lâu bền. Cụ thể như sau:
- Xốp XPS kích thước 600 x 1200 mm, tỷ trọng 35, 38, 40 kg/m3
- Xốp EPS kích thước 1000 x 2000 mm, tỷ trọng từ 20 – 40 kg/m3
Khoét lỗ bê tông trên bề mặt xốp
Để củng cố thêm độ chắc chắn tuyệt đối, khi thi công có thể khoét thêm các lỗ tròn trên bề mặt xốp (mỗi lỗ cách nhau khoảng 60cm, chiều sâu tương ứng với độ dày của xốp). Sau đó, đổ bê tông vào các lỗ vừa khoét để tạo thành các trụ bê tông giúp nâng đỡ sàn.
Lưu ý: Đây là bước thi công không bắt buộc (có thể có hoặc không).
Đan thép lưới
Sau khi xếp xốp ngay ngắn trên sàn, cần thực hiện đan thép lưới lên trên toàn bộ bề mặt xốp. Mục đích của công đoạn này là để cố định xốp, giúp xốp không dịch chuyển, đồng thời giảm thiểu nứt, rạn bề mặt khi đổ bê tông. Nên sử dụng thép A250, dạng thép tròn gai (phù hợp hơn thép tròn trơn)
Đổ bê tông
Đổ bê tông là bước cuối cùng trong quá trình thi công nâng nền nhà bằng xốp. Bê tông được đổ trên cùng, độ dày tối thiểu là 5cm. Cần lưu ý pha tỷ lệ phù hợp khi đổ bê tông nâng nền phần sàn và phần mái.